Cách Chọn Tên Miền Hiệu Quả: 7 Mẹo Mua Domain + Bài Học Sương Máu

Chào bạn đến với bài viết này chia sẻ 7 cách chọn tên miền hiệu quả.

Mình đã có chục năm hỗ trợ tư vấn về mua tên miền (domain), đặt tên thương hiệu kinh doanh, và rút ra được hàng tá bài học, mà ít trang mạng chia sẻ với bạn.

Bạn loay hoay tìm kiếm tên miền, lên mạng xem các hướng dẫn, nhưng đa số đều chung chung.

Tưởng tượng, bạn chọn đại một tên miền nào đó cho được việc, rồi tiến hành xây dựng hoạt động kinh doanh quanh nó. Sau một thời gian, bạn thấy hàng tá vấn đề xảy ra: domain không phù hợp, quá dài, khó nhớ, có tên miền khác hay hơn, mắc mớ quyền sở hữu… Và bạn phải làm sao.

Bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề đó để giúp bạn khởi động việc online hiệu quả hơn, đúng hướng hơn, trước khi chọn mua domain.

Mình cũng sẽ chia sẻ bài học xương máu mà khách hàng của mình mắc phải, nó chắc chắn sẽ rất hữu ích cho bạn.

Ok, bắt đầu đi tìm tên miền cho bạn nhé.

Cần HIỂU Tên Miền Là Gì?

Nếu bạn đã biết rồi thì hay quá, còn không mình giải thích lại.

Tên miền (domain name) hiểu nôm na nó giống như việc bạn đi mua đất xây nhà. Khi xây dựng một website (nhà), tên miền là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hosting là mảnh đất, còn nội dung và mã nguồn tạo nên website là cái nhà.

Tên miền là duy nhất, gồm chữ, số dấu chấm “.” và phần mở rộng (đuôi). Ví dụ MrManh.com.

Bạn vào thanh địa chỉ trên trình duyệt, gõ vào tên miền, ấn Enter. Trình duyệt sẽ đưa bạn đến địa chỉ duy nhất, với website của bạn hiện ra.

Ten Mien La Gi

Hiểu được tên miền là gì như trên rồi, đến đây bạn sẽ đặt ra câu hỏi cách chọn tên miền hiệu quả.

Ok chúng ta sang những chai sẻ tiếp theo.

7 Cách Chọn Tên Miền Hiệu Quả

Những bước dưới đây là kinh nghiệm thực tế của tôi, cộng thêm một số tham khảo được đúc rút lại. Bạn dùng nó như một bảng tham chiếu để biết cách chọn tên miền ứng ý nhất nhé.

#1 – Xác định thị trường khách hàng

Không có những hướng dẫn ngoài kia nói về việc này. Nhưng kinh nghiệm mình thấy nó rất quan trọng.

Xuất phát từ xác định chủ đề cho blog, bạn dựa vào đó để chọn tên miền phù hợp.

Tại sao xác định thị trường liên quan đến chọn tên miền? Vì nó định vị phân khúc khách hàng rõ ràng cho bạn.

Tất nhiên rồi, chẳng hạn đối tượng khách hàng là người nước ngoài, bạn cần tìm các tên miền như là: SapaLuxuryHotel.com, HanoiBiking.com, VisaToVietnam.com… Ngược lại đối với người Việt thì tên miện kiểu như: NhaHangHoaPhuong.com, ChanGaGiaRe.com

Ngoài ra thị trường khách cũng có thể là phân khúc người già (DemNguoiCaoTuoi.com), hoặc trẻ em (QuanAoTreEm.com), giới tính (CatTocNu.com)…

#2 – Tên miền ngắn gọn, dễ nhớ, dễ đọc

Thường khi tư vấn, tôi ưu tiên chọn tên miền ngắn nhất, dễ nhớ nhất.

Website này có thể lấy theo đúng tên họ tôi, nhưng hơi dài. Vậy nên tôi lấy tên miền là MrManh.com.

Trong một khách thị trường bạn đã chọn, cố gắng tìm tên miền gắn với chủ đề ngắn gọndễ nhớ. Ví dụ: ComChay.com (cơm chay).

Có những tên miền dễ nhớ, nhưng quá dài thì bạn cũng không nên chọn. Chẳng hạn: DongPhucHocSinhGiaReHaNoi.com.

Dễ đọc hay dễ phát âm cũng là yếu tố bạn cần chú ý. Yếu tố này cũng liên quan đến tên thương hiệu kinh doanh của bạn. Thường thì các âm như a, e, o dễ đọc, ví dụ: MiSa.vn; LaCaSa.com.

#3 – Tên miền có chứa từ khóa

Cùng với chia sẻ ở trên, tên miền chứa từ khóa theo ngách là ưu tiên bạn chọn.

Nó giúp cho khách hàng biết bạn kinh doanh gì, dành cho ai, sản phẩm nào.

Tuy nhiên bạn cần lưu ý là không phải quá gượng ép tên miền phải chứa từ khóa. Điều đó có thể khiến sinh ra tên miền quá dài (như nói trên).

Ngày nay, tên miền chứa từ khóa không còn QUÁ quan trọng cho máy tìm kiếm (Search Engine).

Vậy nên, nếu không tìm được bạn cũng không quá phải bận tâm. Quan trọng nhất là nội dung website của bạn phải có giá trị và nhất quán theo ngách chọn.

#4 – Tránh sử dụng gạch ngang, ký tự khó, khó nhớ, có dấu

Không nên mua tên miền kiểu như: An-Chay.com; Hanoi-Luxury-Hotel.com… Vì mỗi lần khách hàng gõ tên miền của bạn, chắc chắn tốn thời gian hơn.

Tên miền có ý nghĩa nào đó theo ngách thị trường, nhưng lại có ký tự khó thì cũng không nên mua. Ví dụ: KemYourgaxtyjrt.com. Hãy tìm phương án đơn giản hơn.

Thị trường khách Tây thì tìm những từ dễ đọc, dễ nhớ cho Tây, và tương tự với thị trường người Việt.

Các nhà đăng ký cho phép tên miền có dấu như ĂnChay.com, NhàHàng.com nhưng bạn không nên mua. Tôi không hiểu tại sao nhưng một số ý kiến nói nó chẳng hiệu quả gì cả.

#5 – Tên miền độc đáo, chuyên nghiệp

Tên miền MrManh.com có thể cũng được tính là độc đáo, thay vì NguyenManh.com hay NguyenVanManh.com. Nó dễ nhớ như bạn nhớ Mít Tơ Bin.

Một kiểu độc đáo khác gắn với tên kinh doanh như CAFAcafe.com; LaCaSa.com; LiTaDo.com, ZoZo.vn, Amitoz.com

Nguyên tắc của những tên này là ghép từ những âm VÔ NGHĨA nhưng dễ đọc, dễ nhớ. Thường đây là xu hướng của những thương hiệu lớn.

Bạn cũng có thể lấy từ viết tắt như LOA.com thay vì LawOfAttraction.com.

Với những tên miền như vậy, bạn dễ tìm được những tên miền ngắn có sẵn (available – chưa bị người khác mua), dễ tạo dựng được thương hiệu.

Cá nhân tôi khuyên các bạn tìm và tạo tên thương hiệu cũng như tên miền loại này.

Bạn tham khảo thêm bài viết về 12 cách đặt tên thương hiệu này. Từ đó bạn cũng nghĩ đến chọn tên miền theo tên riêng, theo địa điểm…

#6 – Chọn tên miền đuôi .com, .net hay .vn

Các tên miền có đuôi dạng như .vn (Việt Nam) .fr (Pháp), .my (Malaysia), .uk (Anh)… là những tên miền quốc gia.

Còn đuôi khác như .com, .net, .info gọi là tên miền quốc tế.

Mình thường ưu tiên chọn .com đầu tiên vì nó phổ biến và có tính quốc tế nhất.

Chon ten mien duoi .com .net hay .vn

Thị trường bạn chọn là Tây thì nên chọn tên miền .com hoặc .net.

Trừ mô hình kinh doanh của bạn đặc biệt dạng một tổ chức thì chọn đuôi .org, .edu, .gov... Hoặc một tên miền nào bạn quá thích hay nó quá nổi tiếng thì có thể chọn .info hoặc đuôi khác.

Đuôi .vn cho thị trường Việt Nam. Nếu không còn tên miền đuôi .com, mình ưu tiên đuôi này cho thì trường khách trong nước.

Tôi không khuyên bạn chọn các tên miền thứ cấp kiểu: .com.vn; .net.vn. Trừ phi nó quá cần thiết với bạn.

#7 – Tên miền phải có khả năng mở rộng chủ đề

Bạn không nên mua tên miền theo chủ để quá hẹp và khó phát triển mở rộng. Nó khiến cho blog của bạn bị “” và không mở rộng chủ để được.

Ví dụ, thay vì BepTu.com, bạn có thể chọn YeuBep.com. Bạn chỉ tập trung làm nội dung về bếp từ cho website YeuBep.com trước. Khi Website phát triển tốt, bạn mở rộng thêm những nội dung khác như Bồn rửa, Tủ bát…

Điều này sẽ mâu thuẫn với số #3. Như đã nói ở trên, từ khóa trong tên miền không còn quá quan trọng nữa. Vậy nên, bạn không nhất thiết phải tìm tên miền có chứa từ khóa nếu nó bó chủ đề của bạn.

Bài Học Sương Máu

Bạn KHÔNG được nhờ người khác đứng tên mua tên miền cho bạn được.

Tại sao? – “Ok, Bạn có muốn ai đứng tên sổ đỏ của bạn không?“.

Mẹo Mua Domain

Bài học những năm 2005 gì đó, một cơ số khách sạn nhà hàng ở Sapa thuê một công ty làm web và mua tên miền cho họ.

Điều oái oăm là các tên miền này được đăng ký bằng tên, số điện thoại, email của công ty hoặc nhân viên công ty đó.

Sau một vài năm, công ty phá sản, nhân viên biến đi nơi khác… Các đơn vị ở Sapa không làm cách nào liên lạc được để lấy lại quyền quản lý tên miền.

Hậu quả là, có đơn vị may mắn tìm liên lạc được một số nhân viên thì lấy được. Nhiều đơn vị bó tay dẫn đến mất tên miền.

Những tên miền phèn phèn thì không nói. Nhưng những tên có giá trị thì đúng là quả là một thảm họa: Mất tên miền, tranh chấp quyền sở hữu, mất quyền quản trị

Vậy nên, trong suốt quá trình tư vấn cho các các đơn vị kinh doanh, người làm web, mình thường đề nghị như sau:

  1. Bạn tự mua tên miền và hosting nếu thạo việc đó.
  2. Nếu bạn nhờ ai mua hộ, bạn cung cấp email, số di động, căn cước (CMT), địa chỉ ở, Họ và tên để yêu cầu họ đăng ký đúng cho bạn.

Bạn cần tuyệt đối ghi nhớ bài học này nhé.

Kết Luận

Vậy là bạn đã đi qua 7 cách chọn tên miền hiệu quả. Hy vọng nó giúp được bạn nhiều.

Hãy ghi nhớ 7 danh mục đó như một checklist, mỗi khi mua tên miền bạn đem ra đối chiếu.

Một tên miền tốt không thể thỏa mãn được tất cả nhưng cơ bản là xoay quanh các quy chuẩn đó. Bạn nên linh hoạt và không quá cứng nhắc.

Ngoài ra bạn có thể dùng công cụ như LeanDomain hay chát hỏi ChatCPT gợi ý thêm cho bạn những tên miền hay.

Một bài viết này không bao phủ tất cả thứ bạn cần, nhưng tôi chắc chắn nó giúp bạn có được kiến thức đúng đắn giúp bạn mua một tên miền tốt.

Đánh giá bài viết